Quá trình giao thương nội địa hay quốc tế đều không thể thiếu công đoạn đóng gói và vận chuyển hàng hóa nên lĩnh vực Logistics luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với cơ hội kinh doanh ngày càng rộng mở trong thế giới phẳng như hiện nay, tiềm năng phát triển của ngành Logistics trong tương lai là vô cùng lớn.
Logistics là gì?
Logistics là gì? Thường được dịch là “hậu cần” nhưng cách gọi này không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Diễn giải một cách đơn giản và đúng với thời cuộc thì logistics nghĩa là “lưu trữ, đóng gói và vận chuyển hàng hóa từ nơi này tới nơi khác”, tức là dịch vụ vận chuyển hàng một cách tối ưu từ nơi cung cấp/sản xuất đến tay người tiêu dùng. Từ khóa “vận tải” có thể tạm dùng để nói về lĩnh vực Logistics cho ngắn gọn dù vẫn chưa thực sự tóm gọn hết mọi hoạt động trong lĩnh vực này.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (Supply chain management) là hai khái niệm thường dễ gây nhầm lẫn mà bạn cần phân biệt. Cụ thể, Logistics chỉ tập trung vào phần vận chuyển hàng hóa còn quản lý chuỗi cung ứng bao gồm cả việc khảo sát nhu cầu thị trường hay chiến lược bán hàng. Hay nói cách khác, Logistics chỉ là một mắt xích của Supply chain.
Một số công ty vận tải ở nước ngoài như FedEx, UPS hay DHL là những cái tên nổi bật trong ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Trong nước thì có công ty vận tải quốc dân Vietnam Post – Bưu Điện Việt Nam. Vai trò của các công ty vận tải này là giúp nhà sản xuất hoặc cửa hàng bán lẻ vận chuyển sản phẩm đến địa điểm cần thiết để tiếp cận với khách hàng. Hoạt động logistics không chỉ gói gọn trong đường bộ mà còn có cả đường thủy hay đường hàng không.
Mỗi công ty vận tải sẽ có cách hoạt động riêng. Một số chỉ đảm nhiệm vận chuyển thành phẩm cuối cùng trong khi một số khác sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển trọn gói từ nguyên liệu cho công tác sản xuất cho đến khi sản phẩm hoàn thiện. Nhìn chung, logistics sẽ gồm các đầu việc như:
- Bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển
- Lưu trữ hàng hóa tại kho bãi
- Giám sát và thực hiện các thủ tục cần thiết như khai báo với hải quan
- Quản lý thông tin vận chuyển
- Xử lý hàng hóa bị trả lại, tồn kho, quá hạn
Học Logistics là học gì?
Có một sự thật là bạn không nhất thiết phải học đúng ngành logistics để làm việc trong lĩnh vực này. Bạn vẫn có thể chọn học các ngành liên quan đến kinh doanh hay giao thương nói chung để có kiến thức về cách vận hành của việc buôn bán trong xã hội rồi sau đó chọn phát triển trong ngách logistics vẫn được.
Tuy nhiên nếu bạn muốn học chuyên sâu về logistics thì ở Việt Nam có thể chọn học ngành “Khai thác Vận tải”. Nếu bạn có mong muốn du học thì lưu ý là sẽ có nhiều tên ngành khác nhau để bạn chọn lựa, tùy thuộc vào định hướng của mỗi người. Ví dụ như “Business Logistics and Transport Management”, “Logistics and Enterprise Engineering”, “International Logistics Management”,…
Một số môn học trong ngành logistics bạn có thể tham khảo là:
- Quản trị học nhập môn
- Hệ thống thông tin kinh doanh
- Giá cả thị trường
- Luật kinh doanh
- Quản trị Vận tải và Chuỗi cung ứng nhập môn
- Kênh phân phối và lưu trữ
- Kinh tế
- Tài chính
- Kinh doanh Quốc tế
- Chiến lược Quản lý Chuỗi cung ứng
- Phân tích và Thiết kế Chuỗi cung ứng
Ngành logistics học trường nào?
Ở Việt Nam thì bạn nên chọn học lĩnh vực này tại cơ sở đào tạo uy tín trong nước là ĐH Giao thông Vận tải. Với trường hợp muốn du học, bạn có thể tham khảo danh sách một số cái tên có khoá học ngành Logistics chất lượng do Hotcourses Vietnam gợi ý:
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Tại sao nên học ngành Logistics?
Lĩnh vực không bao giờ bị “thất sủng”
Buôn bán sản phẩm là hoạt động không thể thiếu của xã hội dù thời thế có biến động ra sao nên Logistics luôn thuộc nhóm ngành thiết yếu, kể cả trong đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó nên nếu chọn học ngành này bạn sẽ không lo thất nghiệp mà ngược lại còn có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế
Kể cả khi bạn làm việc tại Việt Nam thì vẫn có cơ hội giao tiếp và tương tác với đội ngũ nhân sự người nước ngoài, nhất là khi bạn công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Chưa hết, lĩnh vực Logistics không bị giới hạn về địa lý và kiến thức của nghề có thể áp dụng tại bất kỳ quốc gia nào nên bạn còn có nhiều điều kiện để ra nước ngoài làm việc thu thập kinh nghiệm
Giờ làm việc linh động
Hầu hết các đầu việc trong lĩnh vực vận tải đều không có giờ làm việc cố định như khi đi làm ở văn phòng. Chẳng hạn như trong lúc mọi người đang ngủ thì bạn có thể đang vận chuyển hàng xuyên đêm. Nếu bạn thích có một công việc linh hoạt về giờ giấc và ít gò bó thì nên cân nhắc theo đuổi ngành Logistics.
Ai phù hợp với ngành Logistics?
Tinh thần chịu được áp lực tốt
Phải tương tác với nhiều người hay giờ làm việc không cố định trong công việc sẽ khiến bạn đối mặt với áp lực không nhỏ. Đặc biệt vào những mùa cao điểm như năm mới hay Giáng Sinh với số lượng hàng hóa cần được lưu thông nhiều hơn do sức mua tăng thì có thể bạn sẽ phải làm thêm giờ.
Kỹ tính và cẩn thận
Do tính chặt chẽ của hoạt động logistics nên những phẩm chất quan trọng của người làm logistics là cẩn thận, tỉ mỉ và chấp hành kỉ luật tốt trong công việc. Mỗi khâu của logistics cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy.
Thoải mái với sự ổn định
Ngành Logistics chắc chắn không hợp với những bạn có tâm hồn nghệ sĩ thích bay bổng mà sẽ là lựa chọn hợp lý cho những ai thích làm các công việc có ít sự biến động, hay nói cách khác là lặp đi lặp lại hàng ngày.
Học Logistics ra làm gì?
Với tấm bằng trong ngành Logistics, bạn có thể làm việc tại các công ty vận tải ở một số vị trí như:
- Chuyên viên kho: quản lý kho lưu trữ hàng hóa mỗi ngày
- Chuyên viên thu mua: đảm bảo việc nhập hàng hóa diễn ra suôn sẻ
- Chuyên viên kiểm kê: kiểm kê chất lượng của hàng hóa
- Điều phối viên vận tải: làm việc với các nhà vận tải và khách hàng để đảm bảo hàng hóa được phân phát đúng thời hạn
- Chuyên viên xuất nhập khẩu: tìm kiếm khách hàng tiềm năng để xuất nhập khẩu hàng hóa
- Hải quan: đảm bảo tính hợp pháp của toàn bộ sản phẩm trong giao thương
Đối với những vị trí chưa yêu cầu kinh nghiệm dành cho các bạn mới tốt nghiệp, mức lương ngành Logistics – quản lý chuỗi cung ứng dao động từ 5 – 10 triệu/tháng. Mức lương khi bạn đã làm hơn một năm sẽ tăng lên khá nhiều, dao động từ 10 đến 15 triệu/ tháng. Thậm chí có mức lương khoảng 15 – 23 triệu nếu bạn đầu quân vào những công ty dịch vụ vận tải lớn.