asd
Home Giáo dục Lý thuyết phương trình bậc nhất một ẩn và cách giải hay...

Lý thuyết phương trình bậc nhất một ẩn và cách giải hay nhất

Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách giải phương trình bậc nhất một ẩn có dạng ax+b = 0, đây là phương trình khá đơn giản giúp các em học sinh tiếp cận với những phương trình phức tạp hơn.

A. Lý thuyết

1. Định nghĩa về phương trình bậc nhất một ẩn

Phương trình có dạng ax + b = 0, với a và b là hai số đã cho và a ≠ 0, được gọi là phương trình bậc nhất một ẩn.

Phương trình bậc nhất một ẩn là phương trình có dạng ax + b = 0 với a # 0, nhiệm vụ của bạn là tìm giá trị của ẩn x dựa vào giá trị của a và b.

Ví dụ:

Phương trình 2x – 3 = 0 là phương trình bậc nhất ẩn x.

Phương trình y – 4 = 2 là phương trình bậc nhất ẩn y.

Định nghĩa về phương trình bậc nhất một ẩn
Định nghĩa về phương trình bậc nhất một ẩn

2. Hai quy tắc biến đổi phương trình

a) Quy tắc chuyển vế

Trong một phương trình ta có thể chuyển một hạng tử từ vế này sang vế kia và đổi dấu hạng tử đó.

Ví dụ: Giải phương trình x + 3 = 0

Hướng dẫn:

Ta có x + 3 = 0 ⇔ x = – 3. (chuyển hạng tử + 3 từ vế trái sang vế phải và đổi thành – 3 ta được x = – 3 )

b) Quy tắc nhân với một số

Trong một phương trình, ta có thể nhân cả hai vế với cùng một số khác 0.

Ví dụ: Giải phương trình x/2 = – 2.

Hướng dẫn:

Ta có x/2 = – 2 ⇔ 2.x/2 = – 2.2 ⇔ x = – 4. (nhân cả hai vế với số 2 ta được x = – 4 )

3. Cách giải phương trình bậc nhất một ẩn

Phương trình có dạng ax + b = 0, với a và b là hai số đã cho và a ≠ 0, được gọi là phương trình bậc nhất một ẩn.

Cách giải:

Bước 1: Chuyển vế ax = – b.

Bước 2: Chia hai vế cho a ta được: x = – b/a.

Bước 3: Kết luận nghiệm: S = { – b/a }.

Ta có thể trình bày ngắn gọn như sau:

ax + b = 0 ⇔ ax = – b ⇔ x = – b/a.

Vậy phương trình có tập nghiệm là S = { – b/a }.

Ví dụ: Giải các phương trình sau

a) 2x – 3 = 3.

b) x – 7 = 4.

Hướng dẫn:

a) Ta có: 2x – 3 = 3 ⇔ 2x = 6 ⇔ x = 6/2 = 3.

Vậy phương trình đã cho có tập nghiệm S = { 3 }.

b) Ta có x – 7 = 4 ⇔ x = 4 + 7 ⇔ x = 11.

Vậy phương trình đã cho có tập nghiệm là S = { 11 }

B. Bài tập tự luyện

Bài tập tự luyện giải phương trình bậc nhất một ẩn
Bài tập tự luyện giải phương trình bậc nhất một ẩn

Bài 1: Giải các phương trình sau:

a) 7x – 35 = 0

b) 4x – x – 18 = 0

c) x – 6 = 8 – x

Hướng dẫn:

a) Ta có: 7x – 35 = 0 ⇔ 7x = 35 ⇔ x = 35/7 = 5.

Vậy phương trình có nghiệm là x = 5.

b) Ta có: 4x – x – 18 = 0 ⇔ 3x – 18 = 0 ⇔ 3x = 18 ⇔ x = 18/3 = 6.

Vậy phương trình có nghiệm là x = 6.

c) Ta có: x – 6 = 8 – x ⇔ 2x = 14 ⇔ x = 14/2 = 7.

Vậy phương trình có nghiệm là x = 7.

Bài 2:

a) Tìm giá trị của m sao cho phương trình sau nhận x = – 5 làm nghiệm: 2x – 3m = x + 9.

b) Tìm giá trị của m, biết rằng phương trình: 5x + 2m = 23 nhận x = 2 làm nghiệm

Hướng dẫn:

a) Phương trình 2x – 3m = x + 9 có nghiệm là x = – 5

Khi đó ta có: 2.( – 5 ) – 3m = – 5 + 9 ⇔ – 10 – 3m = 4

⇔ – 3m = 14 ⇔ m = – 14/3.

Vậy m = – 14/3 là giá trị cần tìm.

b) Phương trình 5x + 2m = 23 có nghiệm là x = 2

Khi đó ta có: 5.2 + 2m = 23 ⇔ 2m = 23 – 10

⇔ 2m = 13 ⇔ m = 13/2.

Vậy m = 13/2 là giá trị cần tìm.

Trên là bài hướng dẫn cách giải phương trình bậc nhất một ẩn. Chúc bạn thành công!

PHỔ BIẾN NHẤT