Nếu muốn trở thành luật sư – bạn phải là người có bản lĩnh để bảo vệ công lý, để diễn giải vấn đề một cách khúc chiết và hơn hết là có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ, cạm bẫy vô hình của nghề. Có rất nhiều Cám dỗ của nghề luật sư yêu cầu bạn phải vượt qua. Bài viết dưới đây của mình sẽ bàn đến các Cám dỗ của nghề luật sư để bạn có sự chuẩn bị tâm lý trước.
Nếu bạn nghĩ rằng: luật sư là một nghề đầy uy lực, có khả năng xoay chuyển các vụ án…, người luật sư thì luôn có phong thái lịch lãm, khả năng diễn đạt lưu loát, hùng hồn và đặc biệt là có nhiều cơ hội kiếm tiền – thì bạn đã nhầm rồi nhé, bởi đó chỉ là những điều chỉ có trên phim ảnh mà thôi.
Thực tế nghề luật sư không như những gì bạn thấy hay bạn nghĩ, mà đằng sau đó là khó khăn, là gai góc, là áp lực, thậm chí là cạm bẫy hay cám dỗ… Nếu bạn trẻ thực sự mong muốn sau này sẽ trở thành một luật sư, hãy tìm hiểu kỹ về nghề này để có sự lựa chọn đúng đắn.
Và nên nhớ, nếu chỉ nghĩ tới việc làm giàu trong tương lai – bạn không nên chọn nghề luật sư, bởi nếu chọn, chắc chắn bạn sẽ đi sai đường. Đây là điều mà Luật sư Lê Ngọc Luân – Đoàn Luật sư TPHCM khẳng định.
Với hơn 10 năm trong nghề, từng bào chữa trong nhiều vụ án oan sai, vụ án xâm hại tình dục trẻ em… Luật sư Lê Ngọc Luân sẽ chia sẻ với các bạn trẻ về tất cả những điều xoay quanh nghề luật sư để các bạn trẻ thực sự hiểu và biết mình cần phải làm gì nếu theo đuổi công việc này.
Công việc của một luật sư là gì?
Luật sư về nguyên tắc nghề nghiệp đang được chia thành hai lĩnh vực: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng.
Luật sư tư vấn là người tư vấn phương án cho hoạt động của các doanh nghiệp, hay tư vấn cho các sự kiện pháp lý nào đó cần sự tư vấn của luật sư. Đối tượng khách hàng của luật sư tư vấn chủ yếu là các doanh nghiệp và doanh nhân.
Luật sư tranh tụng là người biện hộ, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong các vụ án kinh tế, thương mại…, đặc biệt là bào chữa, biện hộ cho các cá nhân bị truy tố, bị tòa án xét xử trong các vụ án hình sự. Luật sư tranh tụng cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp tại các trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam. Đó là các công việc cơ bản của nghề luật sư.
Những khó khăn, áp lực của nghề luật sư?
Những người chưa vào nghề có thể mường tượng rằng nghề luật sư là nghề trải thảm hoa hồng, oai phong… Tuy nhiên, thực tế nghề luật sư rất áp lực.
Áp lực là phải làm sao để đáp ứng được kết quả, đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng (doanh nghiệp, doanh nhân hay một cá nhân bị truy tố về mặt hình sự…). Đối với cá nhân, doanh nhân, họ cần kết quả, lợi ích tối ưu nhất sau khi kết thúc vụ án. Đối với một số phận pháp lý – bị truy tố trước tòa án mà có dấu hiệu oan sai, luật sư phải đánh giá và có một quá trình khắc nghiệt trao đổi – tư vấn – biện hộ, làm sao minh oan được cho họ.
Theo quan điểm của luật sư Luân, áp lực thực tế không nằm ở kết quả cuối cùng mà áp lực trong hành trình biện hộ. Không chỉ giữ vai trò tư vấn tâm lý cho thân chủ, luật sư còn phải đóng vai trò bác sĩ tâm lý để động viên, chia sẻ, vực dậy tinh thần cho người vướng vấn đề pháp lý và cả gia đình của họ, để làm sao họ tin tưởng vào luật sư, tin tưởng vào pháp luật và ánh sáng công lý. Đó là áp lực mà luật sư không có kinh nghiệm, không có sự từng trải và tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau – sẽ có thể gặp phải và bị dồn nén.
Cùng với đó, luật sư – những người đã dấn thân vào nghề – còn đối mặt với áp lực từ cơ quan tố tụng bởi có thể cùng một vụ án nhưng quan điểm của cơ quan điều tra khác, quan điểm của viện kiểm soát khác và quan điểm của luật sư cũng khác. Luật sư phải làm sao đưa tất cả các quan điểm đến một điểm chung, nếu có hành vi phạm tội thì phải xử lý, mà không có hành vi phạm tội thì không được làm oan sai người vô tội.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi hoạt động trong nghề luật sư đều áp lực, mà trong đó còn có niềm hạnh phúc, có sự bình an mà có thể chỉ nghề luật sư mới có được.
Để làm được nghề luật sư, tôi nghĩ các bạn trẻ cần có bản lĩnh, có đam mê và đầu óc tư duy.
Học trường gì để trở thành luật sư?
Hiện nay, có hai cơ sở lớn đào tạo nghề luật sư, đó là Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM. Ngoài ra, còn có Khoa Luật của Đại học Quốc gia hay các trường tư khác có khoa luật. Sau khi tốt nghiệp các trường này, các bạn sẽ được cấp bằng Cử nhân luật.
Muốn trở thành luật sư, các bạn cần học tiếp khóa đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp để lấy chứng chỉ hành nghê luật sư. Đối với khóa học này, trước đây, chúng tôi sẽ học 6 tháng – tập sự 18 tháng, hiện nay các bạn sẽ học 12 tháng – tập sự 12 tháng.
Cụ thể, sau khi học lớp luật sư – 12 tháng tại Học viện Tư pháp các bạn sẽ thi tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp lớp Luật sư. Tiếp theo đó, các bạn bắt buộc phải đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư (văn phòng/công ty luật) trong thời gian 12 tháng.
Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, bạn sẽ tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư và nếu đạt thì được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp (nếu không đạt điểm theo quy định thì được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại)…
Tiếp theo, bạn phải gia nhập một Đoàn luật sư mới được cấp thẻ Luật sư. Như vậy, để trở thành một luật sư trên danh nghĩa, tính cả thời gian học đại học, học nghề, tập sự… bạn sẽ mất khoảng từ 8-9 năm.
Chương trình đào tạo một luật sư như thế nào?
Các trường luật sẽ được chia thành nhiều khoa (khoa thương mại, khoa dân sự, khoa quốc tế, khoa hình sự…). Ban đầu, các bạn sẽ học các môn đại cương (Triết học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh…) – mà tất cả các trường đại học đều dạy. Sau đó các bạn sẽ học môn chuyên ngành. Các bạn sẽ phải học hết các môn hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự… Tuy nhiên, nếu học chuyên về khoa nào thì bạn sẽ học nhiều hơn, kỹ hơn về các môn chính thuộc khoa đó.
Sau khi thi đậu tất cả các môn và thi đỗ tốt nghiệp, các bạn sẽ được cấp bằng Cử nhân luật.
Học luật như thế nào để hiệu quả?
Có thể các bạn học sinh sẽ lo lắng khi học luật sẽ phải đối mặt với những cuốn giáo trình, những bộ luật dày, nhiều trang, không biết phải học sao để hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế, học luật không phải là học thuộc lòng mà là học cách để tư duy, mổ xẻ, vận dụng các điều luật để đảm bảo tối đa các quyền lợi cho thân chủ. Do đó, người ta mới phân biệt luật sư có kinh nghiệm, luật sư giỏi, luật sư chưa giỏi.
Quan trọng là trong thực tế, khi có một sự kiện xảy ra, luật sư biết tìm quy định nào, vận dụng quy định đó trên thực tế như thế nào – đó mới là người học luật và là người luật sư thực thụ. Ví dụ trong các vụ đại án, bút lục có thể lên tới hàng ngàn hoặc hồ sơ thậm chí cả thùng, các bạn mới vào nghề có thể phải đọc hết để biết quy trình khởi tố như thế nào, biên bản lời khai như thế nào. Tuy nhiên, với các luật sư giàu kinh nghiệm chúng tôi sẽ biết đọc tài liệu nào để rút ngắn thời gian để có phương án biện hộ hay bào chữa cho khách hàng. Như vậy, kỹ năng của người học luật – luật sư là phải biết cách đọc và cách chắt lọc.
Thu nhập của nghề luật sư?
Công ty luật hay văn phòng luật không muốn trả lương thấp cho luật sư nhưng thực tế khi mới vào nghề, các bạn chưa làm được việc gì – nhưng nếu vượt qua được quyền lợi tiền bạc ban đầu, trong khoảng 1 năm đầu bạn quyết tâm thì tôi cho rằng năm sau thu nhập của bạn có thể đủ để trang trải cuộc sống bình thường.
Cụ thể, khi mới vào nghề, vào một công ty luật bạn có thể chỉ nhận mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Nhưng khi bạn làm “cứng”, lương có thể 8-10 triệu đồng. Có những công ty khi bạn làm tốt sẽ được chia phần trăm, khi đó thu nhập của bạn sẽ tới 20-30 triệu đồng.
Nghề luật sư không giúp bạn giàu có nhưng nếu bạn thực sự có năng lực, bạn không lo về thu nhập. Có những luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm họ lấy phí tính bằng tỷ đồng hoặc phí theo giờ, chẳng hạn 8-10 triệu đồng/giờ thậm chí 20 triệu đồng/giờ.
Nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ đến những mức thu nhập như thế thì sẽ không vượt qua được những khó khăn ban đầu. Do đó, nếu chọn nghề luật sư, hãy khoan nghĩ đến tiền, nếu chỉ nghĩ đến tiền bạn sẽ không vượt qua được, nếu vượt qua được có thể bạn sẽ “trật đường ray” trong quá trình hành nghề.
Cám dỗ của nghề luật sư và cách vượt qua
Thực ra, tôi đã từng bị cám dỗ và đứng trước cám dỗ về danh vọng, tiền bạc thì ai cũng sẽ bị phân tâm, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng con người cần phải được rèn giũa, phải đặt ra từng tình huống khi theo nghề. Nếu như đứng trước cám dỗ hay trước sự đối lập lợi ích mà có sự rủi ro – chúng ta phải quyết tâm không thực hiện. Khi vượt qua được một lần thì chắc chắn lần thứ hai bạn sẽ vượt qua được.
Con người cần có lòng tự trọng với nghề và tiền bạc quan trọng nhưng không phải là tất cả. Mình có thể tham để lấy một món tiền nhưng có thể giá phải trả sẽ rất đắt và có thể vướng vào pháp lý – đặc biệt, uy tín, danh dự của người luật sư sẽ bị mất. Nếu bạn hiểu và vượt qua được thì chắc chắn bạn sẽ sống được với nghề. Đây là cách vượt qua những cám dỗ của nghề luật sư.
Cơ hội phát triển của nghề luật sư trong tương lai?
Nghề luật sư là nghề đang phát triển tại Việt Nam và được xã hội ghi nhận. Sự đóng góp của luật sư đối với sự phát triển của xã hội, với hoạt động của ngành tư pháp là không thể chối cãi. Với tư cách là người sống với nghề, trải qua nhiều khó khăn, vất vả – vì áp lực và từng bước vượt qua, tôi vẫn nghĩ rằng những bạn có khát vọng, ước mơ thì hãy mạnh dạn rèn luyện cho mình những kỹ năng và tập cho mình sự bản lĩnh và mạnh dạn chọn nghề luật sư.
Tôi tin rằng, thế hệ của các bạn trẻ sẽ phát triển hơn thế hệ của chúng tôi hiện nay. Và các bạn thấy đó, các luật sư không chỉ làm việc trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà rất nhiều luật sư đã thực hiện việc bảo vệ doanh nghiệp tại các trung tâm trọng tài tại nước ngoài. Những người làm luật sư tranh tụng quốc tế, vốn ngoại ngữ là điều cực quan trọng, phải giỏi, phải thông thạo, phải am hiểu văn hóa của quốc gia hoặc cơ quan trọng tài mà mình tới tham gia… Điều này đòi hỏi quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Nếu bạn có điều kiện hoặc năng lực, có thể đi học một số khóa ngắn hạn hoặc “săn” học bổng của các trường luật uy tín trên thế giới… Khi đó, các bạn trẻ có thể làm được, làm tốt và phát triển bản thân trong ngành nghề này.
Cám dỗ của nghề luật sư là điều không thể tránh khỏi khi làm nghề nhưng điều quan trọng là bạn biết mình nên làm gì trước những cám dỗ của nghề luật sư đó. Chúc bạn chân cứng đá mềm, luôn nỗ lực trong công việc!